Lý Thường Kiệt (1019- 1105) là một danh tướng đời nhà Lý. Ông là người đức tài toàn vẹn, văn võ kiêm toàn, là người con chí hiếu, người bầy tôi trung thành, người yêu nước nồng nàn, nhà chính trị kiệt xuất, nhà quân sự thiên tài, nhà nội trị tài giỏi. Ông là kết tinh những đức tính quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện được nguyện vọng, ý chí độc lập tự do của nhân dân ta, là anh hùng kiệt xuất sáng mãi trong lịch sử nước nhà. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của ông, Thư viện Hà Nội trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập số “Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt “.
Ông vốn họ tên là Ngô Tuấn, tên tự là Thường Kiệt, sau được ban họ vua nên đổi thành Lý Thường Kiệt. Quê của ông ở xã An Xá, huyện Quảng Đức nay thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, sau chuyển sang ở phường Thái Hòa, nay thuộc khu vực nội thành thành phố Hà Nội. Ông là người văn võ toàn tài, được đào tạo từ nhỏ. Ông làm quan trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông làm đến chức Thái úy, tước Khai quốc công. Ông được vua Lý Nhân Tông ban cho hiệu “Thiên tử nghĩa đệ”.
Lý Thường Kiệt là người có công trong việc đánh dẹp quân Chăm pa xâm lấn, quấy nhiễu biên giới. Ông đặc biệt có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2 (1075 – 1077). Sau thất bại này, nhà Tống buộc phải giữ bang giao thân thiện với Đại Việt trong suốt 200 năm về sau.
Trong thời gian 19 năm Lý Thường Kiệt được giao nhiệm vụ là Tổng trấn Thanh Hóa (1082 - 1103), ông đã xây dựng Thanh Hóa thành vùng đất biên ải vững chắc về mọi mặt của nhà Lý. Ông đã củng cố bộ máy cai trị, sử dụng người tài, phát triển kinh tế, khuyến khích nghề nông, nghề đánh cá, nghề muối, nghề thủ công mỹ nghệ, phát triển văn hóa, khuyến khích học hành, xóa bỏ phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phát triển Phật giáo.
Cuối năm 1103, Lý Thường Kiệt được cử đi dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu (Nghệ An) khi đã 84 tuổi. Năm 1105, ông về triều rồi mất ở tuổi 86.